Monday, August 27, 2012

Hà Nội: Cháy - SOS!


Khoảng 8 giờ ngày 26-8, tại khu nhà tập thể nằm giữa phố Hồng Hà và phố Vọng Hà (đường Hàm Tử Quan, P. Chương Dương, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) xảy ra một vụ cháy lớn khiến 1 người chết, toàn bộ khu nhà bị thiêu rụi.
Đây cũng là điển hình của nhiều vụ cháy liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Điều đáng nói, hầu hết các vụ cháy trên địa bàn chủ yếu do sự kém ý thức về PCCC của con người.


Hiện trường vụ cháy khu tập thể C8,
đường Hàm Tử Quan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) xảy ra ngày 26-8

Hỏa hoạn không chừa một ai

Với vụ cháy xảy ra sáng qua (26-8), theo nhiều người dân ở khu vực trên cho biết: ngọn lửa bắt đầu bùng phát từ một căn nhà trong dãy nhà gỗ C8. Khói đen mù mịt bao phủ và cháy lan sang khu vực xung quanh, không gì cưỡng được. Khu tập thể này được xây dựng bằng gỗ, lợp bằng xốp, các vật liệu dễ cháy nên lửa bùng phát rất dữ dội, lan nhanh. Hàng trăm hộ dân sống ở trong khu vực hoảng loạn, tháo chạy tìm mọi cách di chuyển đồ đạc đi sơ tán. Lực lượng cảnh sát PCCC đã huy động đến 10 xe cứu hỏa cùng hàng chục chiến sỹ đến hiện trường chữa cháy. Tuy nhiên do khu nhà gỗ này nằm sâu bên trong ngõ nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, đường vào khu dân cư hẹp, vụ cháy đã thu hút rất nhiều người dân hiếu kỳ đứng lại quan sát nên đường giao thông càng ách tắc cũng khiến xe cứu hỏa khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường. Bên cạnh đó, theo quan sát của chúng tôi, khu vực này không có các trụ nước cứu hỏa nên xe cứu hỏa của lực lượng PCCC phải đi cách xa khu vực khoảng 2km mới lấy được nước. Sau hơn 2 giờ đồng hồ nỗ lực, đến 10 giờ cùng ngày, ngọn lửa mới được khống chế. Nguyên nhân gây ra vụ cháy là do một gia đình trong khu nhà gỗ trên đốt vàng mã làm bén vào sàn gỗ, cộng với việc rò rỉ khí ga rồi bùng phát thành đám cháy. Đại tá Tô Xuân Thiều - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội xác nhận vụ cháy đã khiến cụ bà Hoàng Thị Răm (SN 1921) tử vong tại chỗ, hơn 10 căn nhà khác bị thiêu rụi.

Cách đây không lâu, một vụ cháy lớn cũng xảy ra tại công trình xây dựng khách sạn Marriott, phía sau Trung tâm Hội nghị quốc gia (huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội). Thời điểm xảy ra cháy có hàng trăm công nhân đang làm việc nên công nhân hoảng loạn, nhiều người mắc kẹt ở các tầng cao. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng công trình đang xây dựng bị thiệt hại nặng nề. Nguyên nhân vụ cháy được công an huyện Từ Liêm xác định là do tàn thuốc lá của công nhân vứt xuống tấm xốp trong tòa nhà nên gây ra vụ cháy. Trước đó, hàng loạt các vụ cháy lớn khác như: tòa nhà khu tập thể trên phố Nguyễn Thái Học (Hoàn Kiếm), tòa nhà tháp đôi, trụ sở làm việc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại phố Cửa Bắc (quận Ba Đình, Hà Nội), Làng sinh viên Hacinco, tòa nhà Licogi (Khuất Duy Tiến, Hà Nội)… đều gây thiệt hại lớn.

Bài học từ những vụ cháy

Báo cáo của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: trên địa bàn thành phố Hà Nội mỗi năm xảy ra trung bình 237 vụ cháy nổ, thiệt hại bình quân khoảng 45,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn các vụ cháy nhỏ được lực lượng PCCC ở cơ sở phát hiện, dập tắp kịp thời. Thống kê từ tháng 10-2001 đến tháng 5-2012, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 2.609 vụ cháy nổ, làm 101 người chết, 260 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, số vụ cháy ở trong các quận nội thành thường chiếm tới 80% các vụ cháy hằng năm. Nguyên nhân gây ra các vụ cháy do điện chiếm 60 - 65%; do sự sơ suất, bất cẩn khi sử dụng lửa của con người chiếm 25 - 30 %. Mặc dù thời gian qua, ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế hỏa hoạn nhưng tình hình cháy nổ trên địa bàn vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Khảo sát nhiều khu tập thể (nhất là các khu tập thể cũ) ở các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình… người dân vô tư sử dụng các thiết bị điện, các vật liệu dễ gây chất nổ như: bình ga, bếp ga trong khi đó phương tiện chữa cháy lại không có.

Thành phố Hà Nội hiện có 16.012 đội PCCC cơ sở, 575 đội dân phòng được đầu tư trang bị, phương tiện chữa cháy, đã có trên 5.000 đơn vị cơ sở lắp đặt hệ thống báo cháy tự động và hệ thống chữa cháy vách tường… nhưng hiện nay công tác chữa cháy vẫn gặp nhiều khó khăn do lực lượng ít, trang thiết bị còn hạn chế. Giao thông ở thủ đô thường xuyên bị ùn tắc cản trở hoạt động của xe chữa cháy khi đi làm nhiệm vụ. Nguồn nước phục vụ cho công tác PCCC còn thiếu so với yêu cầu thực tế. Qua thực tế, nổi lên vấn đề đó là công tác qui hoạch đô thị còn nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu về PCCC. Nhiều khu dân cư nằm trong các ngõ sâu nên xe chữa cháy không thể vào được. Nhiều khu chung cư cao tầng thiếu quan tâm đến các điều kiện an toàn về PCCC, nhiều cơ sơ kinh doanh hàng hóa nằm ngay trong khu dân cư không có các thiết bị chữa cháy tại chỗ… nên khi xảy ra cháy không kịp thời khống chế khiến đám cháy lan rộng gây ra thiệt hại nặng nề. Một thực tế cho thấy, khi xảy ra các vụ cháy người dân hiếu kỳ thường vây quanh khu vực cháy để xem nên gây ách tắc giao thông, gây khó khăn cho công tác chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC.

Vì vậy, để hạn chế tối đa các vụ cháy xảy ra, các ngành chức năng cần nâng cao công tác tuyên truyền kiến thức về PCCC cho nhân dân. Đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định phương án, thiết bị PCCC ở các khu tập thể, tòa nhà cao tầng và xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm công tác PCCC.
Anh Đức

No comments:

Post a Comment